Innovative Hub Việt Nam - ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam

CÁC MẶT HÀNG NÔNG SẢN THẾ MẠNH CỦA VIỆT NAM

06/02/2023

Theo nguồn tin từ Tạp chí tài chính cho biết, các mặt hàng đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam là

CÁC MẶT HÀNG NÔNG SẢN THẾ MẠNH CỦA VIỆT NAM

Theo nguồn tin từ Tạp chí tài chính cho biết, các mặt hàng đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam là các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hàng rau quả, hạt điều, chè, cao su, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn… Từ những lợi thế quốc gia mang lại, các mặt hàng này đã trở thành thế mạnh của Việt Nam. 

Cùng Innovative Hub tìm hiểu về thêm các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam trong bài viết sau.

Tổng quan về các mặt hàng nông sản

Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 28,04 tỷ USD, tăng 12% và chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Nhìn chung, tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông, thuỷ sản khá tích cực với 8/9 mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2021. Trong đó: thủy sản đạt 8,88 tỷ USD, tăng 5,65% so với cùng kỳ; rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6%; hạt điều đạt 580 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,64 tỷ USD, tăng 12,6% về lượng và 13,3% về kim ngạch; gạo đạt gần 6,24 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,3 tỷ triệu USD, giảm 0,2% về lượng nhưng tăng 5,3% về kim ngạch; cao su đạt 1,96 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,28 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và 37,5% về kim ngạch; cà phê đạt 1,56 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,07 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, tăng 12,1% về kim ngạch; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 2,88 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,18 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về kim ngạch; hạt tiêu đạt 261 nghìn tấn, kim ngạch đạt 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về kim ngạch. Chè là mặt hàng duy nhất sụt giảm đạt 127 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 triệu USD, giảm 1,8% về trị giá và giảm 6% về lượng so với năm 2020.

Điểm tích cực là giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã tăng mạnh trong năm 2021 góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu ngành như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%; cao su tăng 23%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%; cà phê tăng 12,3%; gạo tăng 5,5%; chè tăng 4,6%.

Tổng quan về các thị trường ngành nông sản

Năm 2021, xuất khẩu nông, thuỷ sản tăng trưởng khả quan ở hầu hết các khu vực thị trường, cụ thể:

– Thị trường xuất khẩu trọng điểm đứng đầu vẫn là khu vực thị trường châu Á với tổng kim ngạch đạt 15,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 7,55 tỷ USD, tăng 10,1%; ASEAN đạt 2,89 tỷ USD, tăng 5,0%; Nhật Bản đạt 1,80 tỷ USD, giảm 0,5% và Hàn Quốc đạt 1,19 tỷ USD, tăng 10,5%.

– Tiếp đến thị trường châu Mỹ với kim ngạch đạt 4,67 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2020. Thị trường tiêu thụ lớn nhất tại khu vực châu Mỹ là Hoa Kỳ cũng đạt 3,92 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

– Xuất khẩu nông, thuỷ sản sang các nước khu vực châu Âu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU 3,2 tỷ USD, tăng 11,1%.

– Thị trường châu Phi đạt 936 triệu USD, tăng 21,0% so với năm 2020. Thị trường châu Đại Dương kim ngạch 557 triệu USD, tăng 11,7% so với năm 2020.

Các mặt hàng chủ lực của thị trường nông sản Việt

Thị trường Cao su

Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 12/2020  đạt 225 nghìn tấn, trị giá 358 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 8,1%  về trị giá so với tháng 11/2020; so với tháng 12/2019 tăng 13,2% về lượng và tăng 29,8% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 14,7% so với cùng  kỳ năm 2019 lên mức 1.591 USD/tấn. Năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,75 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2019, giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.362 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2019. Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong  11 tháng năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 65,54% tổng lượng cao su xuất  khẩu của cả nước, với 997,62 nghìn tấn, trị giá 1,33 tỷ USD, tăng 25% về  lượng và tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất  khẩu sang Trung Quốc chiếm 99% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên  và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 987,63 nghìn tấn, trị giá  1,32 tỷ USD, tăng 24,8% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với cùng kỳ  năm 2019.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ, sau Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Liberia. Theo số liệu thống kê của  Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 10 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã cung cấp 19,64 nghìn tấn, trị giá 28,46 triệu USD, giảm 26,5% về  lượng và giảm 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 1,47%, giảm nhẹ so với mức 1,61% của 10 tháng năm 2019. 

Nông nghiệp đang được nhìn thấy trong năm nay sẽ là tiền đề để phát triển trong những năm tiếp theo hoặc xa hơn nữa. Sau năm 2020 đầy sóng gió với đại dịch COVID và sự thay đổi, chuyển dịch chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp chứng kiến sự thay đổi từ hành vi sử dụng tài nguyên toàn cầu, khả năng dùng công nghệ mới để giám sát, trồng trọt đến các quy trình buôn bán, vận chuyển hàng hóa lưu thông trên thế giới. Tại Việt Nam, với mục tiêu chung là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Thị trường Cà phê

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 12/2020 đạt 85 nghìn tấn, trị giá 170 triệu USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,5% về trị giá so với tháng 11/2020, nhưng giảm 54,7% về lượng và giảm 48% về trị giá so với tháng 12/2019. Năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,51 triệu tấn, trị giá 2,66 tỷ USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với năm 2019. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 11/2020 đạt 70,78 nghìn tấn, trị giá khoảng 111 triệu USD, giảm 25,1% về  lượng và giảm 22,1% về trị giá so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm  2020, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,22 triệu tấn, trị giá 1,82 tỷ USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 3,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.  Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường chính giảm, như: Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Nga, Bỉ, Thái Lan. Ngược lại, xuất khẩu  cà phê Robusta sang các thị trường chính khác tăng, như: Ý, Nhật Bản,  Algérie, Philippines. Kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến tháng 11/2020 tăng 0,3% so với tháng 11/2019, đạt 46,14 triệu USD. Tuy nhiên, trong 11  tháng năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến giảm 0,5% so với  cùng kỳ năm 2019, đạt 524,84 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê chế biến sang thị trường Philippines, Trung Quốc giảm, nhưng xuất khẩu sang  Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức tăng. 

Giá cà phê cuối năm 2020 có sự biến động nhẹ so với đầu năm. Cụ  thể, giá cà phê Robusta thế giới giảm, trong bối cảnh thế giới đối đầu với  dịch bệnh, nhiều quốc gia áp dụng chính sách giãn cách xã hội khiến  doanh số bán cà phê cũng giảm tại các cửa hàng trên thế giới. Đầu năm 2021, khi các nhà đầu tư trở lại thị trường kinh doanh, giá cà phê được dự báo sẽ khôi phục tích cực hơn. Tháng 12/2020, giá xuất khẩu  bình quân cà phê ước đạt mức 2.000 USD/tấn, tăng 3,9% so với tháng  11/2020 và tăng 14,9% so với tháng 12/2019. Năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt mức 1.759 USD/tấn, tăng 1,8% so với năm 2019. 

Thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam có sự cạnh tranh khá lớn  khi Tây Ban Nha tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil trong 10 tháng năm 2020 mức tăng 8,0% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 46,5 nghìn tấn, trị giá 100,4 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam sang Tây Ban Nha trong 10 tháng năm 2020 đạt  106,72 nghìn tấn, trị giá 183,35 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm  12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Thị trường Hạt tiêu

Xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 12/2020 ước đạt 23 nghìn tấn, trị giá 62 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 2,5% về trị giá so với tháng 11/2020, so với tháng 12/2019 tăng 38% về lượng và tăng 54,4% về trị giá. Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 288 nghìn tấn, trị giá 665 triệu USD, tăng 1,2% về lượng, nhưng giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 11/2020 xuất khẩu  hạt tiêu đen đạt trên 18 nghìn tấn, trị giá 44,57 triệu USD, tăng 43,3% về  lượng và tăng 64,5% về trị giá so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm  2020, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 218,8 nghìn tấn, trị giá 460,38 triệu USD, tăng 3,3% về lượng, nhưng giảm 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.  Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang nhiều thị trường chính tăng, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Paskitan, Ai Cập, Philippines; ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu đen sang thị trường Ấn Độ, Đức, Iran, Nepal, Thổ Nhĩ Kỳ  giảm.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 12/2020 ước đạt mức 2.696  USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng 11/2020 và tăng 11,9% so với tháng  12/2019. Năm 2020, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt mức 2.313  USD/tấn, giảm 7,9% so với năm 2019. 

Nga là thị trường nhập khẩu hạt tiêu chính của Việt Nam, tuy nhiên,  giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu có xu hướng giảm nhiều ở một số thị  trường cạnh tranh, trong 10 tháng năm 2020, giá nhập khẩu bình quân  hạt tiêu của Nga đạt mức 2.415 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm  2019. Nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam trong 10 tháng năm 2020  đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 15,54 triệu USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 74,7% trong 10 tháng năm 2020, cao hơn so với 68,56% thị phần trong 10 tháng năm 2019. 

Thị trường rau quả

Xuất khẩu hàng rau quả tháng 12/2020 ước đạt khoảng 260 triệu  USD, tăng 1,3% so với tháng 11/2020, nhưng giảm 20,7% so với tháng  12/2019. Năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,26 tỷ USD, giảm  13% so với năm 2019. Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới đời  sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường. Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 được  kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực. Việc khai trương Cổng thông tin về FTA sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt nhanh nhất, hiệu quả nhất những lợi ích từ các FTA Việt Nam đang tham gia. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021. 

So với tháng 11/2019, xuất khẩu hàng rau quả có sự giảm mạnh. Trong 11 tháng năm 2020 xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,99 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2019. Với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu của thị trường khi người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn của thực phẩm. Đáng chú ý, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong 11 tháng năm 2020, điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Úc tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 57,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả. Việt Nam và Úc là đối tác thương mại thông qua Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018. Nhờ các hiệp  định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Úc được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác. Trong 11 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 xuất  khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Thái Lan vẫn tăng mạnh, đạt 148,96 triệu USD, tăng 141,5% so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan đang ngày càng siết chặt các tiêu chí đối với sản phẩm nhập khẩu. Mới đây, Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật  đối với nông sản nhập khẩu. Tới nay, Thái Lan chỉ mới chính thức cấp giấy  phép cho bốn loại trái cây của Việt Nam vào thị trường này là thanh long ruột đỏ và ruột trắng, xoài, nhãn, vải. 

Thị trường Chè

Chè là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam, tháng 12/2020, xuất khẩu chè ước đạt 13 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD, giảm 13,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2019, giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2020 đạt 1.538,5 USD/tấn, giảm 4,6% so với tháng 12/2019. Năm 2020, xuất khẩu chè ước đạt 137  nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2020 ước đạt 1.608,5 USD/tấn, giảm 6,5% so với năm 2019. 

Chè đen và chè xanh là hai chủng loại chè xuất khẩu chính trong 11 tháng năm 2020 với lượng xuất khẩu chiếm 82,2% tổng lượng chè. Trong  đó, chè đen xuất khẩu trong 11 tháng năm 2020 đạt 51 nghìn tấn, trị giá  69 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Chè đen xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính như:  Nga, Indonesia, thị trường Đài Loan, Pakistan… Tiếp theo là chủng loại  chè xanh xuất khẩu đạt 50,8 nghìn tấn, trị giá 91,79 triệu USD, giảm 0,3%  về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Pakistan trong 11 tháng năm 2020 đạt 30,12 nghìn tấn, trị giá 58,17 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng xuất khẩu chè  xanh tới thị trường này chiếm 28% tổng lượng chè xanh.  

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 8 cho Nhật Bản, lượng và trị giá chè nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,9% tổng lượng chè nhập khẩu của Nhật Bản trong 11 tháng năm 2020, giảm từ mức 1,2% trong 11 tháng năm 2019.

TÌM HIỂU THÊM: NÔNG SẢN VIỆT TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ