TỔNG QUAN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN 2021 VÀ TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU VIỆT NAM
Cập nhật ngày: 07/01/2022
Nền kinh tế thế giới đang dần tiến vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19 với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Khủng hoảng đo đại dịch đã
Nền kinh tế thế giới đang dần tiến vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19 với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Khủng hoảng đo đại dịch đã làm thay đổi và tác động lâu dài đến cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị chuỗi cung ứng, các hoạt động và tổ chức xã hội,… Việt Nam trong năm 2021 là một trong những quốc gia đi đầu trong việc vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế một cách linh hoạt, trong đó xuất khẩu vẫn giữ vững phong độ, tăng trưởng ổn định. Cùng Innovative Hub xem lại tổng quan xuất khẩu nông sản 2021 và tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam trong năm mới.
TỔNG QUAN XUẤT KHẨU NÔNG SẢN 2021 CỦA VIỆT NAM
Đối với xuất khẩu, theo báo cáo từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29.9 tỷ USD, tăng 3.6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6.8% so với tháng 9) và tăng 18.5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299.67 tỷ USD, tăng 17.5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5.5%).
Xuất khẩu tháng 11 tăng thấp hơn so với tháng trước chủ yếu do nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản xuất khẩu giảm như: thủy sản, cà phê, chè, gạo, nguyên nhân do mới quay lại sản xuất sau giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp chưa khôi phục 100% công suất và thiếu hụt nhân công.
Chỉ tính riêng nhóm ngành nông lâm thủy sản, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 năm 2021 ước đạt 25.19 tỷ USD, tăng 11.4% so với cùng kỳ năm 2020. Lý do là sản lượng và giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản đều tăng lên đáng kể. Trong đó, có 10 mặt hàng nông sản Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD là các sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo và cao su.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay ước tính đạt 15.6 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Việt Nam hiện đứng thứ nhất ASEAN, thứ hai châu Á và thứ năm thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra 8.9 tỷ USD từ xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng thủy sản, mặc dù hầu hết các hoạt động xuất khẩu thủy sản đã bị tạm dừng trong ba tháng do đại dịch COVID-19.
MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU NÔNG SẢN TIỀM NĂNG CỦA VIỆT NAM 2022
Nông sản Việt đang ngày càng chứng tỏ sức hút của mình trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm chuyển từ phân khúc tầm trung sang phân khúc cao cấp, mở rộng ra hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Khu vực châu Á vẫn chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 46.5% tổng kim ngạch. Tiếp đến là các thị trường: Mỹ (27%), châu Âu (10.1%), Châu Phi (1.7%) và Châu Đại Dương (1.3%). Bốn thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là: Mỹ (24.6%), Trung Quốc (22.6%), Nhật Bản (6.6%) và Hàn Quốc (4.9%).
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả đạt 171.9 triệu USD, tăng 49.9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2.3% tổng trị giá nhập khẩu. Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng trái cây tươi đã xuất khẩu được là 2.5 triệu tấn, bằng 76.2% so với cả năm 2020. Trong đó, thanh long là trái cây có lượng xuất khẩu lớn nhất với 1.2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020.
Tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới và hội nhập kinh tế sâu rộng mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong xuất khẩu tại nhiều thị trường khác nhau. Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết các doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với các nước Châu Âu, tập trung vào các xu hướng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã chớp lấy cơ hội, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) về thuế và các điều kiện kiểm soát để đưa hàng hóa vào Châu Âu.
Để đạt các chứng chỉ, chỉ tiêu chất lượng theo yêu cầu khắt khe của thị trường EU là điều không dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp luôn không ngừng nâng cao chất lượng sản xuất. Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, Đức nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 28.23 nghìn tấn, trị giá 201.21 triệu USD, giảm 1.7% về lượng và giảm 7.0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức vẫn tăng từ 57.51% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 62.46% trong 9 tháng đầu năm 2021.