PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG NGÀNH NỘI THẤT VIỆT NAM 2025
Cập nhật ngày: 21/03/2025
Thị trường ngành nội thất Việt Nam đang chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2025, khi nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao và xuất khẩu liên tục lập kỷ lục. Cùng với sự phát triển của bất động sản và xu hướng sống xanh, các doanh nghiệp nội thất Việt cần nắm bắt kịp thời các cơ hội, đồng thời vượt qua thách thức để vươn ra thị trường toàn cầu.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan, phân tích chuyên sâu và dự báo chính xác nhất về thị trường ngành nội thất Việt Nam.
Doanh thu thị trường ngành nội thất của Việt Nam năm 2024
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), năm 2024, doanh thu thị trường ngành nội thất Việt Nam đạt khoảng 1,47 tỷ USD. Xuất khẩu nội thất và sản phẩm gỗ đạt mức 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Các sản phẩm chủ lực gồm bàn ghế phòng khách, giường ngủ, tủ quần áo và nội thất văn phòng.

Nhu cầu tiêu thụ ngành nội thất tại Việt Nam
Thị trường ngành nội thất Việt Nam ghi nhận nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng mạnh, nhờ tốc độ đô thị hóa và sự phát triển nhanh chóng của ngành bất động sản. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người không cao, nhưng nhu cầu về nội thất cao cấp ở Việt Nam không thua kém gì ở Hồng Kông, Singapore hay là những nước có thu nhập rất cao. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 thị trường có nhu cầu sử dụng sản phẩm nội thất cao cấp đang gia tăng nhanh chóng.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chú trọng đến các sản phẩm nội thất có thiết kế tinh tế, thân thiện với môi trường và mang phong cách cá nhân hóa. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều dòng sản phẩm nội thất thông minh, đa năng và nội thất dành cho không gian nhỏ đang trở thành xu hướng tiêu dùng chủ đạo.
>> TÌM HIỂU THÊM: BÁO CÁO TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG NỘI THẤT
Thói quen lựa chọn sản phẩm nội thất của người Việt
Theo khảo sát của nội thất Hàn Quốc được công bố tại Hội thảo “Xu hướng sử dụng vật liệu gỗ nội thất giai đoạn 2020 – 2022”: Phần lớn người dân Việt Nam vẫn đang giữ thói quen tới cửa hàng để lựa chọn sản phẩm rồi đặt mua. Đây là những sản phẩm có sẵn và mang tính đại trà. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát này cũng cho thấy, tỷ lệ lựa chọn qua sự tư vấn của đơn vị thiết kế, kiến trúc sư có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong những năm gần đây, khi phong cách sống của người Việt thay đổi, bên cạnh lưu giữ giá trị truyền thống gia đình với những không gian sum họp bên nhau thì sự tôn trọng sở thích, cá tính riêng của từng cá nhân cũng được đề cao. Chính vì thế, xu hướng tự lựa chọn vật liệu, định hình sản phẩm cùng sự tư vấn của nhà thiết kế khi có nhu cầu về nội thất là điều dễ hiểu.

Nhóm khách hàng tiềm năng mới
Đối tượng quyết định lựa chọn nội thất cũng có sự thay đổi đáng kể khi phụ nữ chiếm đến 60% – 70%, đặc biệt với những sản phẩm như tủ bếp, tủ quần áo, tỷ lệ này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh công năng, giá trị thẩm mỹ của sản phẩm sẽ cần được đẩy mạnh hơn nữa cũng như khuynh hướng mua hàng nội thất Online cũng dần phát triển với sự bùng nổ của thời đại số và các sàn thương mại điện tử.
Thế hệ Millennials (những người có năm sinh từ 1980 – 2000) dần trở thành lực lượng lao động chính trên thế giới, là đối tượng khách hàng tiềm năng mà thị trường ngành nội thất nhắm đến trong những năm gần đây. Những người này thường không hứng thú tới việc đến xem và chọn nội thất trực tiếp tại cửa hàng. Họ có xu hướng lựa chọn mua hàng trên mạng để thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn. Hoặc khi mua các sản phẩm có giá trị lớn, họ thường sẽ tham khảo thông tin sản phẩm, review trên website hay sàn thương mại điện tử và đến xem trực tiếp sản phẩm tại cửa hàng. Điều này cho thấy Thương mại điện tử có tác động lớn đến hành vi mua hàng của thế hệ trẻ hiện nay.

Dự báo về thị trường ngành nội thất Việt Nam trong thời gian tới
Theo dự báo của Statista và các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín, thị trường ngành nội thất Việt Nam sẽ đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 5,33% giai đoạn 2024 – 2029.
Thời gian tới, thị trường ngành nội thất sẽ có thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự xâm nhập thị trường và đặt nhà máy sản xuất từ các nước đến Việt Nam. Nhiều cơ hội về thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, Marketing… được hội tụ. Nhiều thương hiệu đồ nội thất và trang trí đến từ Ý, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển… đều đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ngành này sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ với sự góp mặt của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Nhiều cơ hội về các lĩnh vực thiết kế, nguyên liệu, thiết bị Marketing… cũng trở nên sôi động.
Doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng thời tăng cường yếu tố bền vững và nguồn gốc gỗ hợp pháp. Xu hướng nội thất thân thiện môi trường, thiết kế thông minh và sử dụng vật liệu tái chế sẽ dẫn đầu thị trường.

Tổng quan thị trường ngành nội thất toàn cầu 2025
Quy mô thị trường ngành nội thất toàn cầu
Báo cáo từ Mordor Intelligence cho thấy, quy mô thị trường nội thất toàn cầu đạt 688,74 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến tăng lên 903,14 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng CAGR 5,57%. Bên cạnh nội thất phòng khách dẫn đầu, thị trường nội thất văn phòng đang tăng trưởng mạnh nhờ sự bùng nổ của xu hướng làm việc từ xa và nhu cầu thiết lập không gian làm việc tại nhà. Nội thất gia đình, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm không gian và dễ lắp ráp, cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo là thị trường tăng trưởng nhanh nhất nhờ dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và nhu cầu nhà ở cao.

Thói quen người tiêu dùng toàn cầu
Người tiêu dùng toàn cầu hiện nay tìm kiếm những sản phẩm nội thất đa năng, thiết kế tối giản, bền vững và thân thiện môi trường. Đặc biệt, các sản phẩm nội thất thông minh tích hợp công nghệ (điều khiển bằng app, cảm ứng, kết nối IoT) đang ngày càng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chú trọng nguồn gốc nguyên liệu (ưu tiên FSC-certified wood) và yêu cầu khả năng tái chế cao. Mua sắm qua các nền tảng thương mại điện tử, tham quan showroom ảo và sử dụng dịch vụ thiết kế 3D trực tuyến là xu hướng ngày càng phát triển, giúp khách hàng chủ động hơn trong việc chọn lựa và đặt hàng.
>> Đọc thêm: Kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam 2025
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nội thất 2025
Thách thức:
-
Áp lực cạnh tranh từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan và Italia.
-
Các rào cản thương mại, quy định nghiêm ngặt về chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và tiêu chuẩn khí thải carbon.
-
Biến động chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí logistics tăng cao.
Cơ hội:
-
Nhu cầu lớn từ thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cho các sản phẩm nội thất cao cấp, thân thiện với môi trường và thiết kế độc quyền.
-
Khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP) để tiếp cận thị trường quốc tế với ưu đãi thuế quan.
-
Xu hướng tiêu dùng thông minh, thương mại điện tử và sự phát triển của các sàn nội thất trực tuyến toàn cầu tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt mở rộng kênh phân phối và xây dựng thương hiệu quốc tế.
Thị trường ngành nội thất Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn tầm quốc tế, tuy nhiên cũng đối mặt với không ít thách thức. Doanh nghiệp cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu hợp pháp và xây dựng thương hiệu bền vững để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Nguồn: statista.com, researchandmarkets.com

Đăng ký tư vấn xuất khẩu
Bài viết liên quan

