Innovative Hub Việt Nam - ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam

ĐIỂM SÁNG TRONG XUẤT KHẨU TÔM Ở VIỆT NAM

25/12/2023

Xuất khẩu tôm Việt Nam đã trở thành một trong những lĩnh vực động lực của nền kinh tế nước ta. Ngành tiếp tục chứng kiến nhiều điểm sáng và

ĐIỂM SÁNG TRONG XUẤT KHẨU TÔM Ở VIỆT NAM

Xuất khẩu tôm Việt Nam đã trở thành một trong những lĩnh vực động lực của nền kinh tế nước ta. Ngành tiếp tục chứng kiến nhiều điểm sáng và bước tiến mạnh mẽ, đặt Việt Nam lên vị thế quan trọng trên thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới. Trong bài viết này, hãy cùng Innovative Hub tìm hiểu về những điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu tôm Việt Nam.

Tổng quan xuất khẩu tôm 10 tháng năm 2023

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản, tương đương 3,5 – 4 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tôm là một trong hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt trong một vài tháng gần đây.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, tính tới tháng 10/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,8 tỉ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10 đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt 451 triệu USD (chiếm tỷ trọng 75,2%), giảm 38% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tôm sú đạt 83 triệu USD, giảm 34%, trong khi tôm loại khác đạt 65 triệu USD, giảm 34%.

Đọc thêm: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU THỦY SẢN NĂM 2023 

Các thị trường chủ lực xuất khẩu tôm của Việt Nam

Trong “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ông Lê Thanh Hòa đã chia sẻ rằng thị trường nhập khẩu tôm đang có dấu hiệu tăng lên trong những tháng cuối năm. Lý do cho hiện tượng này bao gồm lạm phát, giảm tồn kho ở một số thị trường và nhu cầu tăng cao do các lễ hội cuối năm. Đồng thời, Việt Nam hiện đã có hơn 370 cơ sở chế biến tôm đáp ứng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, với công suất chế biến trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm. Do đó, mục tiêu xuất khẩu tôm trị giá 4 tỷ USD vẫn có khả năng được đạt đến.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng dự báo, Mỹ, EU và Trung Quốc là hy vọng cho tôm Việt phục hồi trong những tháng cuối năm nay.

Cụ thể, theo thông tin từ ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp – Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đã ghi nhận một sự giảm mạnh trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, có khả năng tình hình sẽ thay đổi trong trong những tháng cuối năm, bởi lãi suất được dự đoán sẽ không tăng, dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát và sức mua đang dần phục hồi. Ngoài ra, uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam đã được khẳng định sau nhiều năm xuất khẩu sang Mỹ.

EU là một thị trường cao cấp, hàng năm nhập khẩu từ 1 đến 1,2 triệu tấn tôm. Ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU, đã chia sẻ rằng nhờ sử dụng công nghệ chế biến tiên tiến, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam đã thành công trong việc thâm nhập vào phân khúc cao cấp trên thị trường này. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA đã giúp tôm Việt Nam có lợi thế so với các đối thủ khác. Ông Công cho biết rằng trong thời gian tới, xuất khẩu tôm sang EU sẽ phục hồi do giảm tồn kho trên thị trường này và nhu cầu mua tăng cao cho các lễ hội cuối năm.

Trong thị trường Trung Quốc, trong tháng 10/2023, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 63 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đã ghi nhận sự tăng trưởng trong 3 tháng liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng sau đó quay lại giảm trong tháng 9 và 10.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan 2 tháng cuối năm

Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta. Từ tháng 7 năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã ghi nhận mức tăng 2 con số, kéo dài cho đến tháng 10. Tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm vẫn giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 589 triệu USD, chủ yếu do sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Mỹ là thị trường nhập khẩu duy nhất trong số các thị trường chính của Việt Nam mà liên tục tăng trong 4 tháng.

Dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), lần đầu tiên sau 13 tháng, sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ đã hồi phục trở lại trong tháng 8/2023. Việc này cho thấy tín hiệu tích cực về tiêu thụ tôm tại thị trường Mỹ trong những tháng cuối năm. VASEP dự báo đơn đặt hàng thủy sản từ Mỹ giai đoạn cuối năm (tháng 11 và 12) là khá khả quan cho Việt Nam.

Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm, Vasep dự kiến 2 tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Cơ hội xuất khẩu tôm 2024

Dự báo từ VASEP cho thấy tình hình xuất khẩu tôm trong năm 2024 sẽ rất khả quan. Nguồn cung tôm trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt là tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản lượng tôm của Ecuador cũng dự báo sẽ giảm nhẹ trong năm 2024. Xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm 2024.

Tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững ngành tôm” do Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức chiều ngày 11.12, ý kiến của các đại biểu đều cho thấy ngành tôm đang đối mặt với những thách thức đáng kể liên quan đến giá cả, con giống, cạnh tranh và xu hướng tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường trong các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh. Các doanh nghiệp cho rằng cần thay đổi công nghệ, quy trình nuôi tôm để đảm bảo môi trường và hướng đến mục tiêu nuôi tôm bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành hàng tôm đứng trước những thách thức lớn từ giống, cách nuôi, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu… nhưng không thua kém bất cứ quốc gia nuôi tôm nào.

Thứ trưởng cho rằng, ngành tôm Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp tham gia ở tất cả các chuỗi. Chính vì vậy các doanh nghiệp cùng với người nuôi đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sạch.

Kết luận

Tóm lại, xuất khẩu tôm Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng sáng rõ. Với tăng trưởng xuất kh ẩu đáng kể và mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam đã chứng tỏ sự tiến bộ và tiềm năng. Bên cạnh việc chia sẻ các thông tin về xuất khẩu, INNOVATIVE HUB VIETNAM luôn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc khác cho bạn về thương mại điện tử và xuất khẩu, cũng như tư vấn những giải pháp đưa doanh nghiệp của bạn lên sàn Alibaba.com tiết kiệm và hiệu quả nhất.

Đọc thêm: TỐI ƯU XUẤT KHẨU THỦY SẢN TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ALIBABA 

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam, VASEP