BLOCKCHAIN VÀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC
Cập nhật ngày: 23/09/2021
Truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain đang phát triển ở tất cả lĩnh vực. Blockchain có khả năng theo dõi toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain đang phát triển ở tất cả lĩnh vực. Blockchain có khả năng theo dõi toàn bộ vòng đời của sản phẩm, từ nguồn gốc cho đến tay người tiêu dùng. Bằng cách quét mã QR người tiêu dùng đã có thể kiểm tra nguồn gốc của thực phẩm.
Cùng Innovative Hub đào sâu về khái niệm Blockchain và Truy xuất nguồn gốc hiện nay nhé!
Blockchain và truy xuất nguồn gốc là gì?
Khái niệm Blockchain
Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép chúng ta lưu trữ và truyền tải các khối thông tin (block). Những dữ liệu đó được liên kết chặt chẽ với nhau nhờ vào việc mã hóa. Hơn nữa, các khối thông tin hoạt động độc lập và có thể mở rộng theo thời gian. Chỉ những người tham gia vào hệ thống mới có thể quản lý chúng.
Tuy nhiên, chúng ta không thể thay đổi một khối thông tin sau khi chúng được ghi vào hệ thống, mà chỉ có thể bổ sung thêm nếu được sự đồng thuận từ mọi người. Khối thông tin ở đây sẽ gồm những cuộc trao đổi, giao dịch trong thực tế giữa người với người.
Trên thực tế, đó được xem là một phương pháp ghi lại dữ liệu. Khi dữ liệu được ghi lại sẽ không thể thay đổi, chỉ có thể được thêm vào và cập nhật trên toàn bộ mạng. Bên cạnh đó, Blockchain có tiềm năng tạo ra một chuỗi cung ứng thông minh và an toàn. Các doanh nghiệp ở mỗi ngành khác nhau có thể theo dõi nguyên vật liệu; xác định nơi chúng di chuyển; ai là người nhận và xử lý chúng; cách thức và thời gian chúng được vận chuyển đến công đoạn tiếp theo.
Truy xuất nguồn gốc là gì?
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang băn khoăn về khái niệm “Truy xuất nguồn gốc”, đặc biệt đối với những ngành như Nông sản, Thủy sản, Thủ công mỹ nghệ… Theo Quy định 178/2002 EU cho biết, truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm; thức ăn gia súc; thực phẩm chế biến cho động vật; hoặc những sản phẩm khác như thủ công mỹ nghệ.
Ngoài ra, đây còn là giải pháp cho phép các công ty, cơ sở sản xuất ghi nhận toàn bộ thông tin, chuyển động của sản phẩm và khi có phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất cho đến sản phẩm cuối cùng.
Mục đích là để theo dõi và truy lại một đơn vị sản phẩm (nó có thể là một trái cam, một cây cam hay một vườn cam) trong chuỗi cung ứng, cụ thể là từng công đoạn trong quá trình hình thành ra nó. Trên thị trường hiện nay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vô cùng quan trọng, điều này sẽ chứng minh được rằng hàng hóa của doanh nghiệp có an toàn hay không.
Hội thảo tư vấn tiêu chí xuất khẩu
Kể từ năm 2019, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Vì vậy, họ đã có nhu cầu, mong muốn truy xuất được nguồn gốc thực phẩm trước khi tiêu thụ. Do đó, Cục Xúc Tiến Thương Mại; Bộ Công Thương cùng với Sở Công Thương ở từng khu vực đã bắt đầu hướng dẫn các doanh nghiệp Việt về việc Truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngày 22/07/2021, Innovative Hub đã phối hợp cùng Cục Xúc Tiến Thương Mại; Bộ Công Thương và Sở Công Thương Yên Bái tổ chức buổi Hội thảo trực tuyến “Tư vấn tiêu chí xuất khẩu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua sàn Alibaba.com”. Trong buổi chia sẻ, doanh nghiệp đã được hướng dẫn cụ thể về việc Truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm của mình.
>> Theo dõi fanpage của Innovative Hub để cập nhật những event mới nhất!
Hội thảo trực tuyến hướng dẫn dành cho doanh nghiệp tại Yên Bái
Những công ty đã ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc
Trên thế giới nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng Blockchain vào quy trình truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Vào giữa 2019, tập đoàn siêu thị lớn thứ hai trên thế giới – Carrefour và Nestlé đã hợp tác cùng nhau. Họ đã sử dụng công nghệ này cho dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh. Emmanuel Delerm (Quản lý cấp cao của Tập đoàn Carrefour) chia sẻ, nhờ vào việc áp dụng Blockchain mà số lượng sản phẩm sữa Nestlé bán ra tại chuỗi siêu thị tăng vọt.
Sau thương vụ trên, Carrefour bắt đầu áp dụng công nghệ Blockchain cho 20 sản phẩm nông sản khác và dự tính tăng con số lên 100 sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Họ tập trung vào những sản phẩm cần độ an toàn cao, như thực phẩm cho trẻ em và những dòng sản phẩm hữu cơ.
Khi blockchain được ứng dụng vào trong truy xuất nguồn gốc
Tập đoàn bán lẻ của Pháp – Auchan cũng đã ứng dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi siêu thị của họ. Thử nghiệm đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, giúp truy xuất nguồn gốc lợn, gà và trứng tại HCM đã mang đến kết quả ngoài mong đợi.
Ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc
Một quy trình sản xuất thực phẩm sẽ có nhiều bên tham gia như Nông dân, Nhà phân phối, Đơn vị chế biến, Nhà bán lẻ… Ví dụ, các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng Thủy sản gồm có:
- Cung cấp giống: Thông tin về con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh, máy móc… và thông tin giao dịch với người nuôi trồng.
- Nuôi trồng: Thông tin về người nuôi trồng và quá trình nuôi trồng thủy sản (bao gồm cả về điều kiện thời tiết, tình trạng vật nuôi, các chế độ phúc lợi…).
- Chế biến: Thông tin về nhà máy sản xuất, thiết bị máy móc, phương pháp chế biến, số lô sản phẩm, giao dịch tài chính giữa đơn vị chế biến và đơn vị phân phối.
- Phân phối: Thông tin về phương tiện vận chuyển, tuyến đường, điều kiện bảo quản thực phẩm (nhiệt độ và độ ẩm), thời gian vận chuyển, giao dịch giữa nhà phân phối và nhà bán lẻ.
- Bán lẻ: Thông tin về từng loại mặt hàng, số lượng, chất lượng, điều kiện bảo quản, thời gian đặt trên kệ…
- Tiêu dùng: Mắt xích cuối trong chuỗi giá trị. Người tiêu dùng sử dụng điện thoại có kết nối internet để scan mã QR đính kèm trên bao bì sản phẩm. Điều này sẽ giúp họ xem toàn bộ thông tin liên quan từ nhà cung cấp giống tới nhà bán lẻ.
Quy trình cung ứng với Blockchain
Những mắt xích trên sẽ được ghi nhận thông tin lên hệ thống Blockchain theo thời gian thực nhanh chóng. Hơn nữa, dữ liệu của sản phẩm ở từng mắt xích sẽ được lưu trữ và liên kết theo chuỗi, nghĩa là sẽ có một sự kết nối thông tin với nhau. Tiếp đến, công nghệ này giúp bảo mật thông tin một cách chặt chẽ. Không ai có thể thay đổi thông tin vì nó đã được bảo mật và sở hữu chung của nhiều người khác nhau trên hệ thống.
Với một lượng thông tin lớn được đưa lên hệ thống có làm cho việc truy cập dữ liệu bị trì trệ? Câu trả lời là không! Khi doanh nghiệp ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc, dữ liệu sẽ được chia sẻ trên hệ thống và có thể truy cập nhanh chóng. Từ đó, việc truy lại chính xác, xác định nguyên nhân và thu hồi sản phẩm dễ dàng hơn khi áp dụng công nghệ Blockchain.
Blockchain giúp công khai mọi tác nhân trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Từ đó hạn chế những gian lận trong hoạt động sản xuất và giao dịch, đảm bảo một môi trường kinh tế minh bạch và an toàn.
Nguồn ảnh: Sưu tầm