Innovative Hub Việt Nam - ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY

24/08/2022

Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP HIỆN NAY

Nông nghiệp là một ngành sản xuất đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia bởi nó là ngành sản xuất khởi đầu của quá trình sản xuất vật chất của xã hội loài người. Ngày nay, nhờ có sự phát triển của khoa học công nghệ, nông nghiệp đã ngày càng trở nên hiện đại, tiên tiến hơn.

Cùng Innovative Hub tìm hiểu về xu hướng phát triền nông nghiệp hiện nay qua bài viết sau.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cho ngành nông nghiệp hiện nay

Trong những năm qua, thị trường kinh tế đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng trong và ngoài nước thua lỗ, cạn kiệt nguồn ngân sách hoặc phải đóng cửa vĩnh viễn do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. 

Từ thực tế này, nền kinh tế chủ yếu dựa vào các nền tảng thương mại điện tử, hoặc thông qua nhiều kênh mạng xã hội để xử lý đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, chuyển đổi số đã trở thành giải pháp hàng đầu hỗ trợ nền kinh tế và là giải pháp tối ưu để phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nông dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các hộ sản xuất nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp tổ chức sản xuất, quản lý sản xuất và kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ số và ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (Cloud), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… làm giảm đáng kể chi phí sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh.

Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả sản xuất. Chuyển đổi số là giải pháp tích cực, khắc phục được những điểm yếu cố hữu của sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả.

Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả vượt bậc trong năm 2021

Từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2021, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Giá trị toàn ngành nông nghiệp ước tính tăng 2,9% trong năm 2021; tỉ lệ số xã chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD. Đây là những thành tựu vượt bậc trong bối cảnh dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp xác định trong năm 2022 sẽ triển khai nhiều biện pháp để chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi ngành hàng gia tăng giá trị.

Về lĩnh vực trồng trọt 

Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi hiệu quả hơn. Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đối với cây trồng chủ lực; tập trung cải tạo cơ cấu giống, kiểm soát, nâng tỉ lệ sử dụng các giống mới, chất lượng cao. Điển hình như sản xuất lúa đã đạt sản lượng đến 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Rau màu có diện tích khoảng 1,12 triệu ha; sản lượng đạt 18,6 triệu tấn, tăng 325.500 tấn so với năm 2020…

Trong lĩnh vực thủy sản

Thuỷ sản đã đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3,9 triệu tấn, tăng 0,9%, nuôi trồng 4,8 triệu tấn, tăng 1,1%.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2,85% trên hầu hết các lĩnh vực.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục, trên 48,6 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su).

Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Toàn ngành sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.

Theo đó, tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2030. 

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

TÌM HIỂU THÊM: XUẤT KHẨU NÔNG NGHIỆP NĂM 2022 TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC