Tìm hiểu để chinh phục thị trường Halal đầy tiềm năng
Cập nhật ngày: 22/08/2024
Thị trường Halal chiếm 25% tổng thị phần tiêu thụ toàn cầu, là thị trường vô cùng màu mỡ mà hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt để tâm và
Thị trường Halal chiếm 25% tổng thị phần tiêu thụ toàn cầu, là thị trường vô cùng màu mỡ mà hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt để tâm và có những động thái thiết thực để tiến sâu vào. Vậy, thị trường Halal bao gồm những khu vực nào? và doanh nghiệp cần làm gì để đạt được chứng chỉ Halal? Tất cả sẽ được Innovative Hub tổng hợp và phân tích trong bài viết sau.
Halal là gì?
Trong văn hóa Hồi giáo, Halal mang ý nghĩa là “được cho phép”. Do các niềm tin về tôn giáo và tín ngưỡng, người dân theo đạo Hồi sẽ hạn chế sử dụng nhiều loại thực phẩm. Khái niệm Halal được sử dụng để xác định các loại thực phẩm, nguyên liệu mà người dân đạo Hồi có thể được tiêu thụ.
Nắm được khái niệm Halal là vô cùng quan trọng cho việc hiểu được bản chất của thị trường. Halal không chỉ là một khái niệm mang yếu tố văn hóa, nó còn là một hệ sinh thái hướng đến các giá trị cốt lõi, đảm bảo sự tôn trọng tới các giá trị vật thể và phi vật thể giữa con người và tự nhiên. Do đó, Halal và các tiêu chuẩn Halal không chỉ áp dụng cho cộng đồng Hồi giáo, mà còn có thể sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là trong xu hướng tiêu thụ đề cao sức khỏe gần đây.
Khái quát thị trường Halal
Thị trường Halal là một thị trường đầy tiềm năng. Hiện nay có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), và có hơn 2,2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn cầu, chiếm 25% tổng dân số thế giới. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 2,9% mỗi năm, đây là thị trường màu mỡ với nền văn hóa kinh doanh riêng biệt.
Chiếm một số lượng không nhỏ trong cơ cấu dân số thế giới, người dân theo đạo Hồi xuất hiện ở hầu như mọi thị trường lớn, và có một nhu cầu tiêu thụ cực kì lớn. Chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á – ASEAN, Malaysia, Indonesia và Brunei là những thị trường vô cùng tiềm năng cho các sản phẩm Halal. Tính tới tháng 7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu qua Malaysia 7.07 tỷ USD, mặc dù có sự sụt giảm, tuy nhiên vẫn là con số đáng chú ý.
Đặc điểm của thị trường Halal
Thị trường Halal có quy mô rất rộng, khi số lượng người dân theo đạo Hồi chiếm khoảng 25% tổng dân số toàn cầu. Bên cạnh sự phát triển của cộng đồng đạo Hồi, thị trường Halal còn có xu hướng phát triển sang các khu vực có lượng người theo đạo Hồi thấp. Điều này là do các sản phẩm Halal có tiêu chuẩn cao, đảm bảo nhiều yếu tố về bền vững và vệ sinh không chỉ với sản phẩm mà trong cả chuỗi cung ứng. Đây cũng là một trong những lý do khiến các quốc gia phi đạo Hồi cũng có xu hướng phát triển theo tiêu chuẩn Halal nhằm đáp ứng các nhu cầu mới trong tiêu thụ sản phẩm.
Tiềm năng của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal
Việt Nam được nhận định là có đầy đủ những điều kiện để phát triển thị trường Halal. Về vị trí địa lý. Việt Nam nằm trong khu vực trung tâm của Đông Nam Á, gần với 3 thị trường Halal lớn bao gồm Malaysia, Indonesia và Brunei. Đây là những thị trường Halal lớn và có mức độ tiêu thụ sản phẩm Halal ước tính đạt 1,972 tỷ trong năm 2024.
Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có danh tiếng tốt trên toàn cầu. Với kinh nghiệp tiếp cận các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu của thị trường Halal. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giúp làm giảm bớt khá nhiều các rào cản thuế quan tới nhiều thị trường Halal lớn.
Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường Halal
Bên cạnh những tiềm năng to lớn, doanh nghiệp Việt còn gặp phải khá nhiều rào cảo và thách thức trong việc tiếp cận thị trường, chẳng hạn như:
- Hạn chế về đăng ký chứng nhận
Tính tới thời điểm hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 2 đơn vị được cho phép cấp chứng chỉ Halal, một trong số đó là HCA. Sự hạn chế này khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt khó để được cấp chứng nhận, phải thông qua các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận thị trường.
- Hạn chế về quy trình sản xuất
Để đạt được chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Đây hầu như là vấn đề chung của doanh nghiệp Việt, khi những khâu quản lý, sản xuất và vận hành còn yếu, chưa được đầu tư và triển khai bài bản.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện tại của nhiều doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn Halal. Đây cũng là một trong những rào cản lớn cho các sản phẩm của Việt Nam, không chỉ ở thị trường Halal, mà còn nhiều thị trường khó tính khác.
- Sự cạnh tranh từ thị trường quốc tế
Là những doanh nghiệp non trẻ mới gia nhập thị trường Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối diện với nhiều thách thức từ các ông lớn trên thị trường, cả nội địa và quốc tế. Do đó, khi tham gia thị trường, doanh nghiệp Việt cần hiểu rõ về sản phẩm, ưu điểm và nhược điểm của mình để có thể nổi bật trên thị trường.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Rất nhiều sản phẩm Việt đã và đang phục vụ cộng đồng Hồi giáo, cho thấy sản phẩm Việt vẫn có thể tiếp cận thị trường Halal hiệu quả nếu được khai thác đúng cách.
Chứng chỉ Halal là gì?
Chứng chỉ Halal là tài liệu đảm bảo các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp tuân theo các Luật đạo Hồi, và phù hợp cho tiêu thụ ở các quốc gia Hồi giáo. Chứng chỉ Halal thường được áp dụng cho ngành hàng thực phẩm như là thịt, sữa, đồ đóng hộp. Sở hữu chứng chỉ Halal chứng minh được sản phẩm này đã đạt đủ các bước cần thiết, chẳng hạn như giết mổ theo đúng luật hồi giáo, hoặc không được tiếp xúc với thịt heo.
Chứng chỉ Halal dành cho thực phẩm Halal
Các sản phẩm yêu cầu chứng nhận Halal chủ yếu là các sản phẩm tiêu thụ, bao gồm:
- Thực phẩm và đồ uống.
- Thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng.
- Mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân.
- Thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản.
Yêu cầu Halal không chỉ giới hạn ở nhóm thực phẩm, mà còn bao gồm cả quy trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển phải đáp ứng các chuẩn mực. Bất cứ công đoạn nào trong quá trình này vi phạm Halal thì sản phẩm sẽ được xem là Haram (sản phẩm cấm). Tất cả những thực phẩm đạt đầy đủ tiêu chuẩn Halal thì có thể được xem là thực phẩm Halal, và có thể được cấp chứng chỉ Halal cho xuất khẩu.
Các điều kiện cơ bản để sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal
Đây là những điều kiện cơ bản doanh nghiệp cần thực hiện khi đăng ký chứng chỉ Halal:
Điều kiện của sản phẩm | Lưu ý |
Sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ các nguyên liệu HALAL, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật Hồi giáo Sharia và kinh Qur’an. | Các loại động vật bị cấm: Heo, gấu hoang, chó, rắn, khỉ, động vật ăn thịt có vuốt sắc, côn trùng độc hại, động vật lưỡng cư, hải sản không vảy, và tất cả các loại động vật không được giết mổ theo luật Hồi giáo. Một số loài động vật như kiến, ong, chim gõ kiến, chấy, ruồi không được giết hại. Đối với động vật biển, việc săn bắt phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hồi giáo.Quy trình giết mổ: Động vật phải được giết mổ theo nghi thức Dhabihah. Cụ thể, động vật phải còn sống trước khi giết, người thực hiện phải đọc câu khai thị “Besame-Allah” trước khi cắt, sử dụng dụng cụ sắc bén để cắt đứt khí quản, thực quản, động mạch chính và các tĩnh mạch cuống họng, đồng thời quay đầu con vật về hướng Qibla. Thực phẩm: Thực phẩm hữu cơ và rau củ nói chung đều được phép, trừ khi chúng có chứa các thành phần bị cấm như rượu hoặc các chất gây say. |
Doanh nghiệp phải thiết lập và duy trì một hệ thống quản lý chất lượng HALAL toàn diện. | Bao gồm: Đào tạo thường xuyên cho nhân viên về các tiêu chuẩn HALAL. Thực hiện đánh giá nội bộ định kỳ để đảm bảo tuân thủ các quy định. Xây dựng và áp dụng các quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. |
Quy trình sản xuất phải được thiết kế để đảm bảo sự tách biệt hoàn toàn giữa sản phẩm HALAL và các sản phẩm khác, tránh mọi khả năng nhiễm chéo. | Nếu một nhà máy sản xuất cả thực phẩm HALAL và HARAM, phải có sự phân chia rõ ràng về dây chuyền sản xuất và dụng cụ. Tất cả các thiết bị dùng cho thực phẩm HALAL phải được làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng theo quy định Hồi giáo trước và sau khi sử dụng. Đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ động vật (trừ thủy sản), việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt là điều kiện bắt buộc.Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ động vật (ngoại trừ thủy sản) phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng và quy trình sản xuất. |
Sau khi được cấp chứng nhận HALAL, doanh nghiệp sẽ được giám sát thường xuyên thông qua:Kiểm tra các yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm.Phân tích mẫu sản phẩm lấy từ nhà máy và thị trường. |
Nguồn: https://vnce.vn/chung-nhan-halal-la-gi
Kinh doanh sản phẩm Hồi giáo và Halal trên Alibaba.com
Kẹo dẻo, vỏ viên nang và mì khô, mì ăn liền là những sản phẩm đang nhận được nhiều sự quan tâm trên Alibaba.com. Đây là các giải pháp thay thế cho các sản phẩm làm từ gelatin, và lương thực, rất được lòng khách hàng ở thị trường Hồi giáo.
Thực phẩm sấy khô, thực phẩm chế biến và thức uống đóng chai là 3 hạng mục sản phẩm Halal mà doanh nghiệp Việt đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba.com. Bên cạnh đó, trang phục Hồi giáo cũng là sản phẩm thu hút các đối tác quốc tế.
Tìm hiểu về Báo cáo tổng quan và xu hướng thị trường thời trang truyền thống
Thị trường Halal là cơ hội và thách thức mới cho doanh nghiệp Việt. Để tiếp cận thị trường này, doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chuẩn cao về sản phẩm, quy trình và vận hành. Điều đó vừa là khó khăn, vừa là cơ hội mới, nếu doanh nghiệp có thể tận dụng và có các chiến lược tiếp cận phù hợp trong thời gian tới.